10 lời khuyên giúp định vị và cố định bệnh nhân bị lo lắng khi xạ trị

  03:17 PM 12/05/2022
Trong quá trình định vị và cố định bệnh nhân để xạ trị, một số bệnh nhân có thể lo lắng, sợ hãi bị giam giữ khi được tiến hành cố định bằng mặt nạ vùng đầu-cổ. Với kinh nghiệm thực tiễn chúng tôi đưa ra một số biện pháp hữu ích để cố định các bệnh nhân bị lo lắng và giúp họ cảm thấy thoải mái và an tâm trong quá trình xạ trị.

1. Chuẩn bị bệnh nhân

Để có được một kết quả tốt thì cần bắt đầu từ sự chuẩn bị tốt. Bệnh nhân cần được biết chính xác những gì mình có thể mong đợi và tại sao mặt nạ lại quan trọng như vậy: Nó sẽ giúp giữ bệnh nhân ở cùng một vị trí cố định trong mỗi buổi điều trị, điều đó có nghĩa là tia xạ có thể chiếu một cách chính xác tới khối u, tránh gây ảnh hưởng tới cơ quan lành và đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

Chúng ta có thể cho bệnh nhân xem một chiếc mặt nạ đã được làm trước đó làm ví dụ và có thể giới thiệu các bước làm mặt nạ trên một tấm áp phích hoặc video clip. Khi bệnh nhân biết chi tiết điều gì sẽ xảy ra, họ sẽ ít sợ hãi hơn và có thể hợp tác tốt hơn với kỹ thuật viên.

Giải đáp những câu hỏi, thắc mắc của người bệnh và đạt được sự tin tưởng là những bước hết sức quan trọng trước khi làm mặt nạ. Điều này đặc biệt quan trọng khi cố định các bệnh nhân bị căng thẳng và lo lắng. 

 

2. Trấn an, động viên, giải tỏa tâm lý lo lắng của bệnh nhân.

Trong quá trình làm mặt nạ, kỹ thuật viên cần giao tiếp bằng cử chỉ và lời nói với người bệnh và giúp họ hít thở một cách thoải mái. Chúng ta nên đảm bảo với bệnh nhân rằng họ có thể tiếp tục thở bằng mũi ngay cả khi đeo mặt nạ.

Mặt nạ giống như một chiếc khăn ướt nóng tương tự như những gì bạn nhận được khi chăm sóc da mặt ở spa. Điều này có thể được đưa ra làm ví dụ để họ cảm thấy thoải mái hơn và biết những gì sẽ xảy ra.

Đôi với một số bệnh nhân có thể tập thiền hoặc tập thư giãn sẽ giúp giảm bớt căng thẳng khi làm mặt nạ cố định.

3. Sử dụng mặt nạ hở mặt để cố định bệnh nhân.

Nên sử dụng loại mặt nạ hở hầu hết khuôn mặt giúp làm giảm sự khó chịu và lo lắng của những bệnh nhân bị hội chứng sợ bị giam giữ (và những lý do khác) trong quá trình xạ trị vùng đầu - cổ. 

 

4. Chọn gối cố định đầu phù hợp khi mô phỏng.

Gối cố định có sẵn các kích cỡ khác nhau dành cho người bệnh. Điều quan trọng là khi mô phỏng chúng ta cần chọn ra một chiếc gối vừa vặn quanh đầu - cổ của bệnh nhân và làm cho họ dễ chịu nhất có thể. Vì chỉ cần chọn sai gối ta sẽ khiến bệnh nhân phải nằm ở tư thế khó chịu, nhức, mỏi suốt quá trình điều trị. Nếu cần, kỹ thuật viên có thể sử dụng nệm chuyên dụng của hãng để tránh có các điểm tỳ, đè áp lực ở phía sau đầu hoặc một điểm nào đó ở cổ- vai- gáy.

Khi bệnh nhân càng cảm thấy thoải mái thì càng ít cử động. Điều đó sẽ đảm bảo sự chính xác và hiệu quả khi tiến hành xạ trị. 

 

5. Tay nắm để bệnh nhân cầm

Bàn điều trị có thể rất hẹp đối với bệnh nhân, dẫn đến không có không gian để họ có thể thoải mái đặt cánh tay của mình bên cạnh cơ thể. Sử dụng tay nắm cố định giúp cánh tay người bệnh có điểm tựa và cầm, nắm tạo cảm giác an tâm và thoải mái thả lỏng cánh tay và xương vai.

 

 

6. Cố định thoải mái cho bệnh nhân lo lắng

Đôi khi bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu do mép của tấm đế ngang với vai của họ tạo ra. Có hai giải pháp cho điều này: sử dụng một tấm nệm êm được đặt ở mép của tấm đế hoặc bạn có thể sử dụng phần mở rộng tấm đế . Tấm mở rộng này được đặt phía sau tấm đế đầu-cổ và đảm bảo rằng không có cạnh sắc nhọn đè vào lưng bệnh nhân.

7. Mẹo làm mặt nạ cố định.

Kiểm tra độ nóng của mặt nạ và lau qua mặt nạ với khăn mặt ướt để làm hạ thấp nhiệt độ trước khi đắp lên mặt bệnh nhân, tránh gây nóng, rát làm bệnh nhân sợ hãi, đặc biệt là bệnh nhân nhi.

Không nên đè quá nhiều và mạnh lên mặt nạ khi tạo mặt nạ. Chất dẻo nhiệt sẽ co lại xung quanh bệnh nhân. Chỉ nên nhẹ tay tạo khuôn sống mũi, cằm và vai. Đây là những phần xương của cơ thể và chúng có thể chịu một số áp lực.

 

8. Tạo không gian thân thiện với bệnh nhân.

Một bức tranh chụp ảnh bầu trời thực trên trần phòng máy xạ trị có thể kích hoạt các phản ứng thư giãn có lợi cho tâm trí và cơ thể bệnh nhân. Một bức tranh trên tường giàu màu sắc thiên nhiên về đường chân trời, bãi biển, khu rừng, v.v. đã có thể tạo ra một bầu không khí gần gũi, thỏa mái, ít lâm sàng và bớt căng thẳng hơn.

 

 

9. Âm nhạc - liều thuốc cho tinh thần bệnh nhân.

Cho phép bệnh nhân mang danh sách nhạc yêu thích của riêng mình để phát vào loa và nghe trong quá trình điều trị. Âm nhạc có thể tạo ra sự khác biệt lớn khi bạn thực hiện cố định và điều trị bệnh nhân lo lắng, căng thẳng. Nghe giai điệu của ban nhạc hoặc nghệ sĩ yêu thích của họ chắc chắn sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn, tâm lý không bị đè nặng nỗi sợ phòng kín. Có thể chọn một số bản nhạc thư giãn hoặc thiền định, hoặc một số âm thanh tự nhiên cho bệnh nhân nghe trong quá trình xạ trị.

10. Giúp bệnh nhân yêu thích dụng cụ cố định của chính mình.

Hãy cho bệnh nhân của bạn biết những gì chúng ta có thể làm với mặt nạ của họ như vẽ ra những hình bệnh nhân yêu thích, hoặc các nhân vật đáng yêu, ngộ nghĩnh gây sự hứng thú, dễ phối hợp với kỹ thuật viên hơn. Giúp họ quen thuộc với chiếc mặt nạ, biến nỗi sợ hãi của họ thành tâm lý thoải mái tích cực.

 

 

Bệnh nhân có nhu cầu tư vấn về xạ trị - xạ phẫu chất lượng cao xin liên hệ theo địa chỉ: Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Tầng hầm B2 Tòa nhà Trung tâm, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Điện thoại: 024.62784163.

Website: http://benhvien108.vn/gioi-thieu-khoa-xa-tri-xa-phau.htm

Fan page: https://www.facebook.com/xatri108.

Nguồn tham khảo: https://www.orfit.com/.../10-tips-to-comfortably.../

Người viết bài: Kỹ thuật viên Lê Lương Sơn, Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

Chia sẻ